BẠO LỰC NGÔN TỪ – “SÁT THỦ” THẦM LẶNG CỦA TRẺ EM

Ông bà ta vẫn dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là khi nói với trẻ em!

Người lớn vẫn thường nghĩ rằng trẻ con, còn nhỏ chưa biết suy nghĩ nhiều như người lớn nên đôi khi chúng ta vẫn dùng những lời lẽ nặng nề với trẻ mà không nghĩ đến cảm xúc của chúng.

Một đứa trẻ khi bị bạo hành bằng bạo lực, sẽ xuất hiện những vết tím thâm bầm dập, trầy xước là chuyện đương nhiên. Những vết thương này, có đau nhưng chỉ cần thuốc và thời gian là sẽ khỏi.

Còn đối với một đứa trẻ bị bạo hành bằng ngôn ngữ thì vết thương tinh thần, cái mà ta không nhìn thấy, cái mà chẳng có loại thuốc thần kỳ nào có thể chữa được, thử hỏi bao giờ nó sẽ lành lặn? Chắc hẳn chúng ta đều không quên những lời mắng chửi “hay hơn hát” của cha mẹ đối với con cái. Gán cho con một đặc tính bất di bất dịch “ngu như bò”, “bẩn như heo”, “lười như hủi” và những câu nói mang ý nghĩa tiêu cực hơn thế gấp nhiều lần.

Trẻ được sinh ra với một bộ não chưa hoàn chỉnh và não tiếp tục phát triển liên tục với môi trường cho đến tuổi 25. Trẻ lớn lên trong một môi trường an toàn, được người chung quanh quan tâm và đáp ứng chừng mực các nhu cầu căn bản sẽ có điều kiện phát triển não bộ bình thường. Trái lại bộ não sẽ phát triển lệch lạc hay thậm chí dừng phát triển một số vùng khi trẻ lớn lên trong một môi trường thù địch, bị ngược đãi bạo hành trực tiếp bởi người thân, thầy cô hay thậm chí bạn bè.

Nhiều vùng não bị ảnh hưởng nặng nề bởi bạo hành ngôn ngữ. Trước tiên là vùng liên kết hai bán cầu não (corpus collosum),cầu nối chuyển vận thông tin vận động, giác quan và trí năng qua lại giữa hai bán cầu sẽ bị nhỏ lại khiến cho sự phát triển của hai bên bán cầu không được cân xứng. Vùng hồi hải mã (hippocampus) chịu trách nhiệm về ký ức sẽ bị giới hạn hay lệch lạc, và hạch hạnh nhân (amygdala) về điều tiết cảm xúc sẽ bị nhạy cảm quá độ và luôn ở trong tình trạng báo động.

Bạo lực thể xác có thể dễ dàng nhìn thấy nhưng bạo lực tinh thần thì không. Bởi vậy, nếu nó diễn ra trong một thời gian dài mà không được giải tỏa, các em sẽ nảy sinh tâm trạng hoảng loạn và dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực mà khó có thể kiểm soát.

Thay vì sử dụng những lời nói với thái độ chỉ trích tiêu cực, hãy sử dụng ngôn từ thật khéo léo vì sự phát triển toàn diện của con em chúng ta!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *